Nhiều loại rau Trung Quốc đang tràn sang thị trường Việt Nam. Trong lúc chờ cơ quan chức năng kiểm nghiệm chất lượng, người tiêu dùng nên “bỏ túi” vài kinh nghiệm chọn rau cho bữa ăn hàng ngày. Sau trận mưa lớn hồi đầu tháng 11 vừa qua, rau củ tại các chợ ở Hà Nội hầu hết được nhập về từ Trung Quốc, nhưng những người bán hàng lại luôn nói đó là hàng từ Đà Lạt về. Các loại rau từ Trung Quốc được nhập về Việt Nam chủ yếu là cải bắp, cải thảo, cải ngọt; các loại củ quả như cà rốt, khoai tây, su hào, bí đỏ, bí xanh… Bà Tính (Lò Sũ, Hà Nội) cho biết một số kinh nghiệm chọn rau của bà khi đi chợ như sau: Su hào Trung Quốc thường to tròn, dẹt như bánh xe, vỏ xanh thẫm, sờ mát tay; Súp lơ thì to và trắng hơn. Cà chua là loại quả dài. Củ cải trắng tinh và củ dền trông to đẹp, vỏ trơn nhẵn, ít sâu. Bí đỏ Trung Quốc quả dài, có màu sắc rất đỏ đẹp trong ruột nhưng ăn nhạt, không ngọt thơm như bí Việt Nam. Bí đỏ Việt Nam thì thường là quả tròn, hơi bẹp. “Củ quả của Việt Nam thường mùa nào thức nấy. Vì thế, nếu có rau củ trái mùa thì phần nhiều từ Trung Quốc nhập về. Tôi cũng không ham hố nhiều loại rau quả trái mùa lắm, cứ mùa nào thức đó ăn thì tốt hơn”, bà Tính chia sẻ kinh nghiệm. Chị Lê Thiên Nga, Giám đốc Đối ngoại, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cũng tiết lộ một số bí quyết nhận biết rau xịn Việt Nam sau khi làm việc với các trang trại rau tươi tại Đà Lạt. Theo đó, bắp cải Trung Quốc thường to bằng nắm tay, tròn, xanh nhạt, lá xoăn, bọc trong nilon trắng, 100% đó là hàng Trung Quốc. Còn rau bắp cải Đà Lạt to, dẹt trắng, giống rau cải bắp miền Bắc, ăn ngọt hơn. Rau cải thảo Đà Lạt ngắn hơn rau Trung Quốc nhưng vị đậm hơn; Cà rốt Trung Quốc có màu đỏ đậm. Riêng cà chua thì với chị Nga, quả là khó phân biệt, vì hai loại quả không khác nhau là mấy. Siêu thị cam kết đưa rau nội vào bán Tuần qua, Hapro đã vào thương lượng, kí kết với một công ty cung cấp rau củ quả Đà Lạt, Lâm Đồng. Theo đó, hàng tuần, tuỳ theo đơn đặt hàng từ Hapro, công ty này sẽ chuyển hoa quả được trồng và kiểm tra chất lượng từ Đà Lạt ra. Ngày 17/11, 10 tấn rau đầu tiên từ Đà Lạt đã được chuyển về hệ thống siêu thị của Hapro. Ngoài ra, các nguồn rau khác từ Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… Hapro cũng ghi rõ xuất xứ trên các loại rau để người tiêu dùng nhận biết. Theo chị Nga, chưa có thống kê cụ thế nhưng qua nắm bắt tại các siêu thị, lượng rau bán ra từ đầu tháng đã tăng mạnh, giá cả nhiều loại lại thấp hoặc chỉ ngang bằng giá cả tại các chợ. “Nhiều người dân cũng thay đổi thói quen đi chợ mà vào siêu thị mua. Tỉ lệ người mua khối lượng rau lớn cũng tăng lên đáng kể” - chị Nga nói. Theo Thiên Trường VTC News