Quyển 2: Mê Động Long Lĩnh Chương 6 Truyện "Ma Thổi Đèn " (LuongSonBa) Ngư Cốt miếu Người dịch: Trần Quang Đức Nguồn: Sưu tầm
Ngày hôm sau chúng tôi đều dậy rất sớm, thu dọn đồ đạc xong xuôi, rồi theo những gì nghe ngóng được từ hôm trước, ra khỏi làng, vòng qua hai sườn núi, tìm kiếm Ngư Cốt miếu.
Vượt qua hai sườn núi, nói nghe có vẻ đơn giản, đường chim bay có thể rất ngắn, nhưng đến khi thực sự khởi hành rồi mới biết thực sự không dễ chút nào. Hôm qua đi được đến đây thì trời đã tối om, chẳng ai nhìn rõ quanh cảnh xung quanh ra làm sao, bây giờ có ánh bình minh chiếu rọi dõi mắt nhìn ra xa, mới thấy ngòi rạch đan xen ngang dọc, các gò dất, bãi đất, hào đất dựng đứng bao bọc hết cả ba bề bốn bên.
Nơi đây tuy không phải là cao nguyên hoang thổ, song lại chịu ảnh hưởng của sông Hoàng Hà, trên mặt đất có một lớp bùn vàng rắn chắc, gió chính là lưỡi dao trổ của tạo hóa, cắt gọt chạm trổ trên những ngọn núi vốn dĩ chập chùng vươn trải, tạo nên vô số những khe rãnh, hốc động, có nhiều khe hun hút nhìn mà rợn tóc gáy.
Môi trường tự nhiên ở đây vô cùng khắc nghiệt, đất rộng người thưa, gió lùa qua khe núi u u thành tiếng, nghe như ma hờn quỷ khóc, dọc sườn núi lỗ chỗ đầy những đống đá vôi sâu không thấy đáy, nhìn từ đằng xa, trông dốc núi như mọc đầy mụn ruồi vậy.
Đi bộ gần ba tiếng đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy miếu Ngư Cốt trong một khe núi. Ngôi miếu còn hoang tàn hơn những gì chúng tôi tưởng tượng. Chúng tôi nghe kể ngôi miếu thờ Long Vương này đã ngưng hương hỏa đã mấy chục năm, trước khi đến cũng đã chuẩn bị tâm lý sẵn, không ngờ đến thực địa quan sát, mới biết ngôi miếu này đã tàn tạ đến độ sắp rụng ra đến nơi rồi.
Miếu Ngư Cốt chỉ có duy nhất một gian thờ, cũng chẳng hề phân cửa trước của sau, gian Đông, gian Tây, cổng miếu đã sập từ lâu, có điều cũng coi như đã trông thấy xương sọ của con Long Vương đầu sắt, miệng cá chính là cửa ra vào của ngôi miếu.
Tuyền béo cầm xẻng công binh gõ gõ vào xương cá “keng keng” khúc xương này vẫn còn rắn chắc thật. Chúng tôi quan sát kĩ hơn, thấy loại xương cá này hoàn toàn khác biệt với loại xương cá thường, tuy không còn da thịt, nhưng vẫn khiến người ta cảm nhận được dáng vẻ ghê rợn xấu xí. Thật chưa từng thấy loài cá nào như vậy cả, không phải cá voi mà cũng chẳng phải cá sông bình thường, to đến rợn người khiến chẳng ai dám nhìn lâu.
Tượng đất Long Vương trong điện chẳng biết đã thất lạc nơi đâu, trên mặt đất và cột kèo phủ kín bụi bặm, mạng nhện, song vào đến bên trong miếu, chúng tôi lại không nhìn ra rường xà làm bằng xương cá, có lẽ đều được bọc bên trong gạch ngói hết cả rồi.
Tường miếu cũng chưa hoàn toàn tróc lở, gắng gượng vẫn có thể nhận ra bốn chữ đại tự: “Phong điều vũ thuận” trên đó, dưới đất có mấy ổ chuột, trông thấy có người bước vào, cả lũ liền chạy nháo nhác khắp nơi.
Chúng tôi không dám ở lại lâu trong Ngư Cốt miếu, ngôi miếu rách này có thể sập bất cứ lúc nào, chỉ cần một trận gió lớn, nói không chừng cũng hất phăng cả mái nhà đi cũng nên.
Trước cửa miếu, Răng Vàng nói, loại miếu thờ Long Vương xây bằng xương cá này cũng có vài ngôi ở vùng duyên hải, trong nội địa thì đích thực rất hiếm thấy, thời Dân Quốc, ở Tĩnh Hải, Thiên Tân cũng có một ngôi miếu thế này, cũng là cá lớn chết dạt vào bờ, có người tốt quyên tiền đem xương cá xây miếu Long Vương, hương hỏa thịnh lắm, sau rồi đầu những năm bảy mươi thì bị đập đi, từ đó đến giờ chưa thấy ngôi nào như vậy nữa.
Tôi quan sát kỹ địa hình của Ngư Cốt miếu trong tổng quan hình thể của khe núi chung quanh,rồi cười rằng: “Vị trí của ngôi miếu này mà là huyệt vị phong thủy, thì tôi về đem cuốn thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật đốt quách đi cho rồi.”
Tuyền béo ngây ngô hỏi: “Chỗ này không phải rất tốt hay sao? Gió thổi vi vu suốt ngày, như vậy trong phong thủy đã có “phong” rồi, ừm… mẹ kiếp, chỉ tiếc là thiếu chút nước, chỉ cần có một lạch nước, là cũng hòm hòm coi như huyệt báu phong thủy rồi còn gì!”
Tôi giải thích: “Xây dựng miếu điền chùa chiền cầu kỳ kiểu khác với nhà cửa, mồ mả, chùa chiền là nơi cầu phúc, không thể tùy tiện xây đâu cũng được, đất xây chùa phải rộng mát thoáng đạt, sông núi trùng trùng.” Ngoài cái miếu Ngư Cốt này, ông đã bao giờ thấy cái miếu nào trong khe núi chưa? Ngay cả miếu Thổ Địa cũng không được xây trong hẻm núi sâu thế này đâu, đúng như câu: “Sơn cốc hiểm sâu họa xuyên tâm, xây chùa dựng mộ họa thêm nhân.”
Răng Vàng liền hỏi: “Anh Nhất! Câu cuối cùng anh nói nghĩa là gì? Có phải là ý không nên dựng miếu trong khe núi hay không?”
Tôi gật đầu: “Đúng vậy, ông anh xem những khe những rãnh này, ngoằn nghèo như rắn bò rồng cuộn, đồi núi chung quanh khô cằn xơ xác, không có cây che suối chở, không tạo nên bề nên thế, thêm vào đó lại ằm hõm sâu trong núi, âm khí nặng nề.”
Nếu như cây cối trên núi xanh tươi um tùm một chút thì còn đỡ thế gọi là “Dải tiên thấp thoáng trong màn gấm, đấng chủ vun che phúc lộc dày”. Hẻm núi điêu tàn này, xét theo nguyên lý phong thủy Trung Hoa cổ, chớ nói xây miếu, táng người chết cũng chẳng hợp nữa, nên tôi đoán việc dựng miếu ở đây chắc chắn có điều khuất khúc, nhất định là các chiêu bài của các Mô Kim hiệu úy dùng che đậy chuyện đổ đấu hôm nay tận mắt quan chiêm quả nhiên không ngoài dự liệu.
Tuyền béo lại nói: “Cho dù che mắt thiên hạ, cũng đâu cần phải gọi làng gọi nước như vậy, tôi thấy chỉ cần dựng cái lều cỏ là đủ rồi. Hơn nữa trong cái hẻm núi này lấy đâu ra ma nào, cùng lắm thỉnh thoảng có thằng chăn dê tạt qua, nghe dân làng bảo, qua cái sườn này là mê động Long Lĩnh, bên trong ma quỷ rập rình, người thường chẳng thể nào lai vãng, cho nên e cũng chẳng mấy ai tới đây chăn dê đâu.”
Tôi đáp: “Chuyện này chủ yếu vẫn là để lấy lòng dân bản địa thôi, khách ngoại tỉnh bỏ tiền xây miếu Long Vương, cầu cho cả vùng bình yên no ấm mưa thuận gió hòa, người trong vùng sẽ không thắc mắc gì, chứ đến thẳng đây dựng chòi, có phải sẽ khiến người ta cảm thấy bất bình thường, thấy kỳ quái khó hiểu không, bỗng dưng lại vào trong khe núi dựng nhà làm gì chứ? Vậy là dễ bị người ta hoài nghi rồi, chi bằng bảo đây là huyệt phong thủy dẹp, xây ngôi miếu lên trên, vậy còn dễ gạt người hơn, hồi trước còn có kẻ giả vờ làm ruộng, cây cối lên xanh um rồi mới hành động, tất cả đều có một tông chỉ, chính là không để người khác biết mình làm gì…”
Nghe tôi phân tích, cả Tuyền béo và Răng Vàng đều đồng tình, người vùng khác đến xây miếu trong khe núi đúng là dễ ngụy trang hơn xây nhà nhiều.
Thực ra Tuyền béo nói không phải không có lý, chỉ có điều phải lên trên triền núi quan sát hình thể Long Lĩnh đã rồi mới có thể đi sâu thêm một bước phán đoán nguyên nhân xây miếu ở đây. Tôi đoán khoảng cách giữa ngôi mộ cổ và Ngư Cốt miếu không xa lắm, nếu không sẽ tốn rất nhiều công sức đào đường hầm.
Cuối cùng cũng đã đến chân dốc Long Lĩnh, tôi có hai việc lo lắng nhất, một là dãy Long Lĩnh liệu có mộ cổ không, bây giờ xem ra có thể chắc chắn đáp án là trăm phần trăm khẳng định.
Việc thứ hai là, ngôi mộ cổ lớn như thế, lại bị gã lái buôn giả mạo kia nhòm ngó từ lâu, hắn ta có thành công hay không thì cũng khó nói, song chỉ xem hắn tính toàn và hành động như vậy, ắt hẳn là đã quyết đổ cái đấu này cho được.
Nhưng dù cổ mộ Long Lĩnh này đã bị đổ đấu chăng nữa, tôi nghĩ chúng tôi cũng nên vào đó thăm quan một chuyến, xem các cao thủ khác làm thế nào, không chừng hắn ta không cuỗm hết, vẫn còn sót lại vài món thì sao.
Quy định của cái nghề Mô Kim Hiệu úy này rất nghiêm ngặt, khi đổ đấu, chỉ được lấy một vài món, nhiều hơn là phá hoại quy củ, tay lái buôn bỏ tiền dựng Ngư Cốt miếu này đã tìm được ngôi mộ cổ trong Long Lĩnh mà biết bao nhiêu kẻ khác tìm không ra nhất định phải là một cao thủ lão làng.
Càng là cao thủ lão làng, người ta lại càng coi trong quy củ, có lúc thậm chí còn xem trọng quy định của nghề nghiệp còn hơn cả mạng sống, song những truyền thống tốt đẹp đó đến nay cũng chẳng còn ai đoái hoài đến nữa, đám trộm mộ bây giờ chẳng khác gì bọn Nhật ngày xưa, về cơ bản toàn chơi trò “ba sạch” hết cả.
Chúng tôi đi quanh ngôi miếu đến mấy vòng, nhưng không phát hiện ra được vị trí đường hầm, xem chừng đã được che đậy cực kỳ kín đáo, khó mà tìm ra được, thậm chí còn có khả năng vị Mô Kim Hiệu úy bịt chặt lối vào lại sau khi đổ đấu xong cũng không chừng.
Răng Vàng quay qua hỏi tôi xem liệu có thể xác định vị trí cụ thể của cổ mộ không, tôi nói ở trong khe nhìn không ra, phải leo lên sườn núi, từ đó phóng mắt nhìn mới ra được.
Răng Vàng ngày thường cờ bạc rượu chè liên miên, sức khỏe không tốt lắm, không chịu nổi dặm dại bôn ba, cuốc bộ đến được miếu Ngư Cốt đã mệt nhừ tử, giờ bảo trèo lên núi rồi quay xuống, thực quá sức chịu đựng của hắn. Vậy nên tôi bảo Răng Vàng và Tuyền béo ở lại miếu, tiếp tục tìm kiếm đường hầm, đồng thời dặn dò nếu hai người có vào trong miếu thì phải hết sức cẩn thận, chớ để bị đè bẹp bên trong.
Mình tôi men theo dốc núi, tay bấu chân đạp, chẳng mấy chốc đã leo lên trên sườn núi, chỉ thấy bên dưới ngòi lạch chằng chịt, mặt đất như bị bàn tay ai đó vẽ nặn, vô số những nếp gấp cao thấp ngang dọc, địa hình vô cùng phức tạp.
Đặc điểm địa mạo vùng Thiểm Tây hai phía nam bắc cao, ở giữa thấp, tây bắc cao, đông nam thấp, địa hình dốc từ tây sang đông. Phía bắc là cao nguyên Hoàng Thổ, phía nam là dãy Tần Bà, ở giữa là đồng bằng Quan Trung. Còn nơi đây là một miền đồi núi thấp hiếm thấy do dãy Long Lĩnh kéo dài hình thành, núi non đều không cao lắm, từ trên cao nhìn xuống, có thể cảm thấy như một vệt sẹo trên mặt đất.
Tôi giơ tay che ngang tầm mắt, quan sát kỹ lưỡng hình dạng của từng ngọn núi phía trước, Long Lĩnh quả nhiên danh bất hư truyền, địa mạch cài xen chằng chịt, phân chí nối tiếp, “tầm long quyết” có câu: “Sông suối đại ngàn trăm dải, lầu rồng điện ngọc muôn tòa.”
Trong dãy Long Lĩnh này có một tòa “lầu rồng điện ngọc” ẩn giấu cực sâu, hình thế nương nhau, đan xen hoàn tụ, những dãy núi nhấp nhô trải dài kia chính là cái thế hiện ra từ tòa “lầu rồng điện ngọc” bên tròn. “Thế rồng” nơi đây không phải “thế” mai táng được các bậc đế vương, “thế” của lăng mộ hoàng đế phải vững chắc, phải như những nơi có núi non cao ngất, sông suối lượn vòng, tạo nên thế tựa núi đạp sông, hùng cứ thiên hạ, còn thế hiện ra từ dãy Long Lĩnh là thế ngọa cư nơi xa xôi, yên bình tích tụ.
Hình thế này thì có thể mai táng quốc thích, nhũng người thân cận trong hoàng tộc, tỷ như hoàng hậu, thái hậu, công chúa thân vương, chôn ở đây thì vương thất yên ổn hưng thịnh, trong cung bình lặng yên hóa, nói trắng ra thì như kiểu trấn yên vườn sau nhà mình vậy.
Nhưng cái thế này đã bị môi trường tự nhiên phá hoại, mưa gió cắt gọt, núi lở động đất, thủy thổ đi biến hết sức nghiêm trọng, lớp đất bề mặt vỡ vụn, không còn đâu khí tượng của năm xưa nữa rồi.
Mặc dù vậy, ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã nhận ra được ngay “tòa lầu rồng điện ngọc” ở Long Lĩnh nằm chính ngay dưới sườn núi nơi tôi đang đứng. Dốc núi này đã bị tự nhiên tàn phá nặng nề, những sườn dốc hay hẻm sâu gần đó đều từ đây trải dần ra, cổ mộ thời Đường hẳn đang nằm trong lòng núi.
Tôi đứng trên sườn núi, ngắm nhìn khí mạch của sông núi ghập ghềnh, lấy bút đánh dấu những vị trí có thể có mộ cổ lại, ghi rõ khoảng cách phương vị, sau đó quay người lại nhìn sang phía Răng Vàng và Tuyền béo.
Hai ông tướng đang quanh quẩn ở Ngư Cốt miếu tìm đường xuống địa đạo, tôi cho tay lên miệng huýt sáo gọi bọn họ.
Hai người bọn Tuyền béo nghe thấy tiếng huýt, liền ngước lên nhún vai tỏ ý vẫn chưa tìm thấy lối vào, sao đó lại tiếp tục cúi đầu mò mẫm, dòm ngó mọi ngóc nghách trong ngoài miếu hết lần này đến lần khác. Truyện "Ma Thổi Đèn " (LuongSonBa)
Lên núi thì dễ, xuống núi khó, tôi ngoảnh lại nhìn lối vừa nãy leo lên, đường dốc quá, khó mà quay lại theo đường cũ được, bèn quan sát bốn phía, thấy triền núi bên tay trái cách chỗ đứng không xa lắm bị mưa gió xâm thực, vách đá sụt tróc từng mảng lớn, từ đó mà leo xuống tương đối dễ hơn.
Tôi men theo sườn núi đi về phía trái một đoạn, dẫm lên những đất đá gồ ghề lụt sụt mà từ từ đi xuống, đoạn dốc này vẫn rất khó trụ chân, giẫm xuống là trượt ngay, tôi thấy gần đó có một chỗ trống có vẻ bằng phẳng dễ đặt chân, liền nhảy qua.
Không ngờ vừa mới đứng vững, còn chưa đi được hai bước, dưới chân đột nhiên sụt xuống, chỉ chớp mắt nửa thân dưới đã hẫng xuống, tôi thầm như không hay, mình đã sa chân vào đụn đất rồi.
Người dân trong làng gần đây bảo dốc Bàn Xà đầy những đụn đất bẫy người này, tôi cứ tưởng ở vùng ngoài rìa này vẫn an toàn, nào ngờ hóa ra đã quá bất cẩn. Đến lúc này thì từ phần bụng đổ xuống đã ngập trong đất, tôi cũng biết lúc này tuyệt đối không được giãy giụa, kết cấu địa chất ở đây cũng gần giống cát lúc trong sa mạc, khác chăng thì cũng chỉ là có ít cát mà nhiều đất mủn mà thôi, càng gắng sức giãy giụa, càng chìm xuống nhanh, gặp phải trường hợp thế này chỉ còn cách chờ người tới cứu, còn nếu chỉ có một mình thì đành chờ chết mà thôi.
Tôi cố gắng giữ cơ thể bất động, đến thở cũng không dám thở mạnh, sợ rằng chỉ hơi nhúc nhích một chút là lại lúm sâu thêm một khúc nữa, đất mà ngập qua ngực thì rắc rối to.
Tôi khẽ nắm hai tay, cố giữ cơ thể được cân bằng, đợi khỏang mười giây sau, thấy người không lún xuống nữa, mới đưua tay tháo chiếc còi treo trên cổ ra, đưa lên miệng chuẩn bị thổi một tiếng gọi Tuyền béo đến cứu.
Nhưng thổi còi thì lồng ngực phải dùng lực, giờ tôi lại đang ở trong một trạng thái thăng bằng hất sức mong manh, cơ thể không dàm cử động dù chỉ là một chút, bằng không bất cứ lúc nào dốc đất này cũng có thể sụt xuống chôn sống tôi ở đây; tất nhiên cũng không chắc rơi xuống phía dưới là sẽ bị chôn sống, cũng có khả năng bên dưới là một hang đá vôi lớn, xui xẻo nhất là chỉ rơi vào chỗ lưng chừng, trên không thấy trời dưới không thấy đất, chết ngạt trong đó cảm giác ấy mới thực sự khó chịu. Truyện "Ma Thổi Đèn " (LuongSonBa)
Suy nghĩ này cứ lởn vởn trong đầu, nhưng rồi tôi vãn quyết định thổi còi báo hiệu, bằng không đợi đến khi Tuyền béo và Răng Vàng nhớ ra, con bà nó, chắc tôi cũng đã sang tiểu cành rồi, hy vọng hai ông tương nghe còi sẽ tức tốc đến ngay, bằng không chuyến này Hồ Bát Nhất tôi thật sự phải về chầu ông vải mất thôi. Phong ba bão táo còn vượt qua được vậy mà phải chết kiểu này thì thật không cam lòng chút nào.
Tôi thổi vang một tiếng còi báo hiệu , lồng ngực hơi phập phồng, thân thể hơi chao đi một chút, lại lún thêm xuống một đoạn nữa, vừa vặn chẹt đến ngực, hít thở càng lúc càng khó khăn. Thông thường nếu muốn chôn sống ai đó, chẳng cần thiết phải lấp đất đến tận đỉnh đầu, đất ngập qua ngực đủ để khiến người ta ngạt thở rồi. Tình huống của tôi lúc này chính là như vậy, hai tay vươn ra phía ngoài, rõ ràng là thấy ngột ngạt khó chịu lắm, song lại không dám vùng vẫy thoát ra. Giờ là lúc thử thách khả năng nhẫn nại của một con người, tôi cố gắng giữ bình tĩnh, không thể vì lồng ngực bức bối đến ngạt thở mà khua khoắng chân tay tìm cách bò ra ngoài, như vậy chỉ càng chết nhanh hơn.
Xét hoàn cảnh của tôi lúc này, một giây dài còn dài hơn cả một năm , con bà nó, thằng Tuyền béo chết giẫm kia sao vẫn chưa thấy tăm hơi đâu, nhỡ hai thằng kia không nghe thấy tiếng còi, thì tôi coi như ô hô ai tai ở đây mất rồi.
Tôi đang nín thở, đầu óc nghĩ ngợi lung tung, thì thấy bóng Tuyền béo và Răng Vàng đang lững thững tiến lại, vừa đi vừa trò chuyện rôm rả, Nhìn thấy tình cảnh của tôi, cả hai đều thất kinh, vội co giò chạy lại. Tuyền béo vừa chạy vừa tháo cuộn dây thừng trên người ra, cậu ta vẫn còn đeo cái giỏ ngỗng, hai con ngỗng bên trong thấy Tuyền béo đột ngột tăng tốc liền hoảng hốt kêu nháo nhác.
Tuyền béo và Răng Vàng thấy gần đó có đụn đất khác, không dám lại gần quá, dừng lại cách chỗ tôi độ mười mấy bước, quăng dây thừng ra, cuối cùng tôi cũng bắt được sợi dây cứu mạng, vội quấn lấy hai vòng quanh cổ tay.
Đôi bên cùng lúc dùng sức, kéo tôi ra khỏi đụn đất, lúc leo được lên, đụn đất đã bị hai chân tôi làm thụt xuống hết, trên dốc núi lộ ra một cái hố lớn, đụn đất rơi xuống như mưa.
Tôi há miệng thở hồng hộc, vặn bình nước ra, uống ừng ực mấy ngụm, rồi đổ hết chỗ còn lại lên đầu, hai tay vuốt mặt, quay đầu nhìn lại cái hố ở đằng sau, bản thân tôi cũng không rõ đây là lần thứ bao nhiêu mình lượn một vòng qua Quỷ môn quan rồi, quả thực là hú hồn, không dám nghĩ nhiều thêm nữa.
Tuyền béo châm cho tôi một điếu thuốc để lấy lại tinh thần, tôi bây giờ vẫn hồn xiêu phách lạc, rít được hai hơi liền ho sặc sụa, sự việc lần này không giống với những lần trước, mọi lần sinh tử chỉ quyết định trong chớp mắt, nhưng lần này thần chết lại chậm rãi thả từng bước một, trên đời này chắc chẳng còn chuyện gì giày vò thần kinh người ta như thế.
Ba hồn bảy vía của tôi chừng đã bay đi phân nửa, phải đến hai mươi phút sau, phần hồn bay đi mới chịu trở về nhập xác.
Răng Vàng và Tuyền béo thấy tôi mặt mũi trắng bệch, cũng không dám lên tiếng hỏi han, một lúc sau thấy mắt tôi không còn ngây ra nữa, mới hỏi xem tôi thế nào rồi.
Tôi bảo Tuyền béo lấy chai rượu trắng, ngửa cổ uống mấy ngụm, giờ mới tạm xem như hoàn toàn hồi phục.
Ba thằng quay lại nhìn cái hố ban nãy tôi dẫm phải, Răng Vàng hỏi: “Đây có phải hố đào trộm mộ không?”
Tôi đáp: “Không! Ven rìa hố đào trộm mộ không rã ra như thế, cái này là kết quả của sự ăn mòn đá vôi trong lòng núi, bên ngoài chỉ còn lại lớp vỏ rỗng, chỗ dày chỗ mỏng, xem ra quy mô của hang đá vôi bên dưới dãy Long Lĩnh này thực không nhỏ chút nào!”
Tôi kể lại tình hình vừa quan sát được trên sườn núi cho Răng Vàng và Tuyền béo nghe, trong lòng núi khẳng định mười mươi là có mộ lớn, chỉ cách Ngư Cốt miếu chừng một cây số theo đường thẳng thôi.
Nếu trong miếu có đường hầm dẫn đến ngôi mộ cổ kia, vậy thì khoảng cách và phương hướng này là hoàn toàn hợp lý, đối với cao thủ trong nghề, đào đường hầm dài một cây số không phải chuyện khó, chẳng qua hơi tốn chút thời gian mà thôi.
Tuyền béo thắc mắc: “Thằng cha này ăn no rửng mỡ hay sao, đã tính chuẩn được vị trí của mộ, việc quái gì phải chạy ra mãi xa đào hầm!”
Tôi nói với Tuyền béo: “Vị tiền bối dựng nên Ngư Cốt miếu này, từ việc quan sát đến đo đạc, đều hơn đứt cậu, tất nhiên phải có lý riêng, tôi đoán chắc là ông muốn vào địa cung từ phía dưới đây.”
Răng Vàng vội hỏi: “Hả? Đi vào từ phía dưới? Có phải vì bốn phía ngôi mộ đều quá kiên cố chắc chắn, không thể ra tay chỉ có cách đâm từ dưới lên? Tôi nghe nói chiêu này gọi là ‘đình cung’ thì phải.”
Tôi trả lời: “Chắc là như vậy, thời Đường lăng tẩm toàn được xây trong lòng núi, nhất là thời thịnh Đường quốc lực dồi dào đứng đầu thiên hạ, lăng tẩm nhất định được xây dựng kiên cố, địa cung đều được xây dựng bằng đá lớn, gia cố bằng các thanh ngang dài, rất khó phá tường đột nhập. Nhưng lăng mộ dẫu được xây tường đồng vách sắt đi chăng nữa, cũng không thể như quả trứng gà không có vết rạn được, lăng mộ nào cũng đều có một chỗ trống, nhìn theo góc độ phong thủy học, chỗ đó dùng để tàng phong tích tụ khí, trong mộ không có hư vị này, thì huyệt bầu phong thủy có tốt đến mấy đi chăng nữa cũng vô nghĩa.”
Tuyền béo liền hỏi: “Nghĩa là để một cái cửa phía sau ư?”
Tôi lắc đầu: “Không phải, “hình dừng khí mới tụ”, để giữ được hình và thế của huyệt vị phong thủy, khiến cho đất báu phong thủy cố định, thì kết cấu của lăng tẩm không được kín mít, khí cần tụ mà vẫn lưu thông, thường thì con đường lát gạch trong lăng mộ hoặc hậu điện chính là nơi thông khí, những chỗ như vậy không được xây quá chắc chắn, nếu không sẽ không tốt cho chủ mộ.”
Ngoài ra còn có một thuyết khác, lăng tẩm quy mô lớn không khác cung điện là mấy, cuối cùng sau khi bịt cửa lăng, để bảo tồn các bí mật trong địa cung, tốp thợ xây cuối cùng đều bị chôn sống trong đó, những người thợ có kinh nghiệm, trong quá trình thi công, đều ngấm ngầm xây một lối đi bí mật để làm lối thoát cho mình, những mật đạo này thường được xây kín đáo phía dưới địa cung.
Song cái lối thoát hiểm do đám thợ xây nên vì sự sống còn này, hoàn toàn không dựa vào kiến thức phong thủy, giấu được thế nào thì xây theo thế ấy, thành ra ảnh hưởng lớn đến bố cục lăng mộ, song cũng chẳng thể nào ngăn chặn được.
Cho nên khi gặp những ngôi mộ lớn bốn bên đều kiên cố một cách lạ thường, sau khi đã tìm hiểu thông tin, các Mô kim Hiệu úy thường sẽ chia phương án khai quật theo hướng đào từ dưới lên.
Ba chúng tôi thương lượng một chút, đều cảm thấy đáng bỏ công bỏ sức vào mộ cổ Long Lĩnh này một chuyến, bởi vì vị trí của ngôi mộ cổ này hết sức đặc biệt, hình thế núi không còn diện mạo ngày xưa nữa.
Người phát hiện ra nơi đây có mộ cổ, nhất định phải là một cao thủ trong các Mô kim Hiệu úy, ông ta nhất định sẽ tuân thủ quy định của nghề này, không lấy hết đồ, huống chi ngôi mộ lại lớn đến thế, đừng nói ông ta chỉ lấy đi một hai món bảo vật, dù có mang đi hàng trăm món, phần còn lại chúng tôi tùy ý lấy đi một vài món vẫn coi là hời rồi.
Chúng tôi quyết định bắt đầu bằng đường hầm trộm mộ trong miếu Ngư Cốt, như vậy sẽ đỡ tốn thời gian công sức hơn, một là địa đạo trong núi bỏ hoang đến giờ cũng chỉ mấy mươi năm, chắc không có quá nhiều thay đổi, dù có thể có đoạn bị sập, chúng tôi đào một lối khác vòng qua là được, hai là trên dãy Long Lĩnh có vô số đụn đất sụt lún, đi lại trong núi hết sức nguy hiểm, ban nãy tôi cũng thiếu chút nữa là chết ngạt rồi, đi đường hầm sẽ tránh được những rủi ro này.
Kế hoạch được lên xong chúng tôi trở lại miếu Ngư Cốt, lúc nãy Răng Vàng và Tuyền béo đã tìm kiếm một hồi lâu mà vẫn không phát hiện được gì. Ngôi miếu này xây không dựa núi nhìn sông, cũng chẳng có kết cấu bố cục gì, nhìn từ bên ngoài rất khó phán đoán vị trí của đường hầm trộm mộ. Nhưng địa đạo này thực sự rất quan trọng, tôi bèn ngồi đưa ra tất cả các suy luận có thể, tiền đề ngôi miếu này được một vị Mô Kim Hiệu úy xây nên.
Một suy nghĩ bỗng lóe lên trong đầu, tôi gọi Răng Vàng và Tuyền béo lại bảo: “Chúng ta cần phải kiểm tra bệ thờ đặt tượng Long Vương, nếu có đường hầm trộm mộ, rất có thể nó nằm bên dưới bệ thờ.”